
Chấm dứt chọi trâu
Tại Việt Nam, hiện có 2 lễ hội chọi trâu chính thức là Hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn (Hải Phòng), và Hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc). Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn còn được công nhận là "di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", là "sự kiệnphát huy những giá trị truyền thống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng địa phương".
Lịch sử các lễ hội chọi trâu
Mặc dù ban tổ chức các lễ hội cho biết các lễ hội chọi trâu có nguồn gốc 'từ thế kỷ thứ XV' (hội chọi trâu Đồ Sơn), thậm chí từ thế kỷ thứ II trước công nguyên (với hội chọi trâu Hải Lựu) nhưng cũng giống như rất nhiều 'lễ hội truyền thống khác' tại Việt Nam, các lễ hội này chỉ được phục dựng, tổ chức trở lại rất gần đây, lần lượt vào năm 1990 và 2001. Nguồn gốc các lễ hội chọi trâu cũng có nhiều dị bản, ví dụ: lễ hội chọi trâu Đồ Sơn xuất phát từ điển tích một đêm trăng "một số người trông thấy ngoài biển, dưới ánh trăng vàng một lão nhân đầu tóc bạc phơ ngắm nhìn hai con trâu chọi nhau... sau đó nổi lên một trận mưa lớn giúp làng vượt qua cơn hạn khủng khiếp", cho tới chuyện một người con gái trong làng bị hoang thai bị dân làng trừng phạt bằng cách dìm xuống nước, lễ hội chọi trâu Hải Lựu gắn với tích tướng Lữ Gia của nước Triệu tổ chức chọi trâu & mổ trâu khao quân để khích lệ tinh thần quân sĩ.
Sự biến tướng của các lễ hội hiện nay
Theo thời gian, các lễ hội chọi trâu này cũng có nhiều thay đổi, và nhiều biến tướng, như: số lượng trâu tham gia đấu chọi tại vòng chung kết tăng dần theo thời gian, ví dụ: lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 1991, chỉ có 06 trâu đấu trong lễ hội; đến năm 2009, số lượng trâu đã tăng lên 16, năm 2017 là 18 trâu (chưa kể số trâu dự các vòng đấu loại), và giảm xuống còn 16 và 10 cặp (tương ứng tại 2 lễ hội) trong những năm gần đây. Ban đầu thịt trâu vô địch được hiến tế lên Thành Hoàng làng và chia đều cho các xã, phường, người dân, nhưng rồi bắt đầu được bày bán với giá rất cao, tới vài triệu đồng/kg, lễ hội cũng dần bị thương mại hoá khi bắt đầu bán vé vào cửa hoặc dưới dạng 'Giấy mời' trị giá từ hàng trăm ngàn tới triệu đồng/vé mặc dù vẫn được quảng báo là 'lễ hội của cộng đồng' nhằm duy trì 'văn hoá, truyền thống của địa phương'.
Tàn ác với động vật
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất của các hội chọi trâu là việc tất cả các 'Ông trâu' đều bị giết thịt sau khi thi đấu, dù thắng hay thua, và các chủ trâu ngày càng đặt nặng tính 'ăn thua' khi sử dụng nhiều biện pháp để tăng tính hung hăng, tăng độ sát thương bằng cách gọt nhọn sừng trâu, thậm chí sử dụng chất kích thích.
Bạn có thể tham khảo thêm báo cáo chi tiết về Hội chọi trâu Đồ Sơn, và Hội chọi trâu Hải Lựu của Tổ chức Động vật Châu Á để có cái nhìn tổng quan hơn.
Kiến nghị của VAE
Theo đánh giá của VAE, các lễ hội chọi trâu là hình thức tàn ác với động vật và có tác động tiêu cực về nhiều mặt tới đời sống xã hội, đạo đạo đức, và hình ảnh quốc gia. Cụ thể, các lễ hội này:
-
Tác động xấu tới ngành du lịch và hình ảnh của Việt Nam
-
Gây tác động tiêu cực về tâm lý người xem – lối đối xử tàn ác đối với động vật cũng có hại cho cả xã hội; nó làm trơ lì cảm xúc của những người chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với những người khác trong cùng cộng đồng.
-
Trái ngược với đặc tính của người Việt Nam: hiền hòa, hiếu khách, yêu chuộng hòa bình.
-
Vi phạm Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính Phủ về quản lý, tổ chức lễ hội.
-
Gây ra sự chịu đựng không cần thiết cho động vật – trái ngược với suy nghĩ của chúng ta, động vật cũng cảm nhận được sự đau đớn trước, và trong khi diễn ra lễ hội. Việc tiếp diễn lễ hội này gửi đi một thông điệp rằng động vật chỉ được coi như những đồ vật không đáng được tôn trọng thay vì là những sinh mệnh sống và chúng cũng cảm nhận được nỗi đau đớn.
Nếu bạn cũng đồng tình với những điểm trên, hãy ký tên vào Kiến nghị thư của VAE bằng cách nhấp vào nút "Ký thư kiến nghị" dưới đây.
Bạn lên tiếng, những sinh vật vô tội kia bớt phải chịu đựng!